<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Trúc Lâm, Từ Đàm, Từ Đàm Hải Ngoại
Tác giả: Kỷ yếu khánh thành

TRÚC LÂM, TỪ ĐÀM, TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI

 

Giáo Sư TRẦN QUANG THUẬN

 

      Về phía Bắc Vương xá thành có một vườn tre rất rộng và rất đẹp. Vua Tần Bà Sa La đem vườn tre ấy dâng cúng cho đức Phật và Tăng đoàn làm nơi nghĩ chân trong ba tháng kiết hạ an cư. Trong buổi lễ trao khu vườn Trúc Lâm, vua đã dùng nước trong bình vàng rót lên tay Phật tượng trưng cho sự chuyển đạt từ vua đến Phật. Trúc Lâm tinh xá là cơ sở đầu tiên Phật chấp nhận dùng làm nơi tu học cho chúng Tăng. Sự việc xảy ra cách đây trên 2,500 năm.

 

              Mười chín thế kỷ sau, hoàng tử Trần Khâm, con của vua Trần Thánh Tông, ra đời năm 1285, lên ngôi năm 20 tuổi. Vào trung tuần tháng tư năm 1329, vua Trần Nhân Tông sau khi hoàn tất nhiệm vụ an bang tế thế, đã đến chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, xuất gia hành đạo, lấy đạo hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà. Trúc Lâm giờ đây không phải là rừng tre ở miền Bắc Vương Xá thành xa xôi vạn dặm mà được biểu hiện qua ngôi chùa đơn sơ, thanh tịnh, miền Bắc Việt Nam, qua hình hài nhân thế của Trần Nhân Tông, của Hương Vân Đầu Đà.

 

              Vào thế kỷ 20, Tổ Đình Trúc Lâm - Huế được Tỳ kheo ni Thanh Linh, hiệu Diên Trường hình thành năm Duy Tân thứ ba (1902) và cung thỉnh Hòa thượng Giác Tiên làm tọa chủ Khai sơn. Chùa được dựng trên đồi Dương Xuân Thượng, xã Thủy Xuân, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, phía bắc giáp đàn Nam giao, phía nam giáp dãy núi Truồi, phía đông có núi Thiên thai và phía tây có đồi Kim Phụng. Dưới chân đồi Dương Xuân Thượng, trước chùa là một khe nước uốn quanh, tiếng nước chảy qua kẻ đá tạo nên bài ca bất tận “Lưu thủy vô huyền vạn cổ cầm”.

 

          Đường Trúc Lâm đá vàng, cát trắng,

 

            Cảnh Trúc Lâm, cảnh vắng người thanh,

 

            Dòng khe lượn khúc uốn quanh,

 

            Rừng cây rợp bóng, trời xanh bốn mùa”.(1)

 

                              Tâm Minh Lê Đình Thám. 

 

              Ngôi chùa Trúc Lâm bây giờ đã biến dạng. Vị sáng lập chùa là một Ni cô. Đạo lý thiền môn vượt ngoài hình hài, danh tướng để rồi ba bốn chục năm sau cảnh chùa kỳ diệu ẩn hiện trong con người diệu kỳ, Thiền sư Thích Mật Hiển, truyền đăng đời thư 43 dòng Lâm tế, được miêu tả trong hai câu đối cuối bài thơ của Đại thần Hồ Đắc Trung :

 

             Quán trúc tri nhơn, nhơn thị trúc,

 

             Trúc nhơn phi dị, lưỡng tương phù.(2)

 

             (Thấy trúc biết người, người tựa trúc,

 

             Trúc người không khác, cảnh tương phù)

 

                              Đại thần Hồ Đắc Trung            

 

              Khóm trúc gầy gò, nhưng mãi xanh tươi qua bốn mùa, gió lay sóng động trong hình hài của cố Hòa thượng Thích Mật Hiển, nhìn người, nhìn khóm trúc nào khác gì nhau. Hữu tình và vô tình bây giờ là Một. Nhưng khi Ngài viên tịch vẫn mang lại cái buồn sâu thẳm của con người trần thế còn sống sót :

 

            Hiên lặng, cỏ rền - Thơ nở chữ,

 

            Tháp nghèo, sỏi đá - Đạo đơm bông.

 

            Cảnh Trúc Lâm, cảnh vắng người thanh,

 

            Trường giang, nhạn quá tâm lưu phụng,

 

            Rừng trúc, non linh tuệ nhật đồng. (3)

 

             Thượng tọa Viên Minh và Môn đồ chùa Huyền Không - Cẩn điếu.

 

              Chùa Từ Đàm cách chùa Trúc Lâm năm bảy cây số. Khách thập phương viếng thăm chùa Trúc Lâm đi qua chùa Từ Đàm

 

              Lên dốc Nam Giao, hướng về quân Nam Hòa, đến Cầu Lim rẽ trái đi dọc theo con đường đất hai bên được trồng dương liễu. Đó là con đường chính. Có con đường tắt mà tôi thường đi băng qua các rẩy khoai trước hoặc sau chùa Tây Thiên, lội qua khe nước. Con đường nầy gập ghềnh hơn nhưng thật kỳ thú. Chỉ nhờ những con đường tương tự mới có thể hưởng được những cái tính cách đặc thù của từng ngôi chùa.

 

              Từ Đàm và Trúc Lâm có một liên hệ chặt chẻ, lâu dài. Từ Đàm có tên là Ấn Tôn, một công trình kiến tạo của Tử Dung Minh Hoằng, dòng Lâm Tế thứ 34, đầu tiên được chư Tăng xử dụng làm Ni học viện, sau là trụ sở của hội An Nam Phật Học do Hòa thượng Giác Tiên chùa Trúc Lâm và quý Hòa thượng đứng ra thành lập năm 1931. Từ Đàm là nơi hoạt động Phật sự của Hòa thượng Thích Mật Hiển, Thích Mật Thể, hàng hậu duệ của tổ Giác Tiên, để rồi một phần tư thế kỷ sau, cách quê hương mười lăm ngàn cây số, Từ Đàm và Trúc Lâm đã hợp thành Một, trên đất khách quê người, vùng Texas Hoa Kỳ, với danh hiệu Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại. Giờ đây Từ Đàm và Trúc Lâm không còn là hai nữa. Vì truyền thừa dòng Lâm tế đời thứ 44 đã nối liền Minh Hoằng Đại sư, đời thứ 34, mười đời sau biến thành Một.

 

            TỔ ấn trùng quang diệu pháp khai,

 

            ĐÌNH tiền hiển hiện quán âm đài,

 

            Hiên lặng, cỏ rền - Thơ nở chữ,

 

            TỪ năng tế độ thiên sanh bệnh,

 

            ĐÀM xuất tiêu trừ vạn kiếp tai.

 

            HẢI nội đạo tràng tuyên mật ngữ,

 

            NGOẠI viên thiền viện phụng Như Lai.

 

            CẢM tương Tăng lữ nan tư nghị,

 

            TÁC hóa quần sanh tuyệt bất nhai. (4)

 

             Ở nơi Thượng tọa Tín Nghĩa, người ta có thể thấy dấu vết ngang tàn, khác đời của Bổn sư. Trong bữa cơm do cố Hòa thượng Trúc Lâm khoảng đãi tại chùa, thầy Đức Tâm kể câu chuyện cảnh sát Huế chận chận xe Hòa thượng xem bằng lái, có lẽ Hòa thượng vừa lái xe vừa nhập định, nên xe đã băng lề, húc vào cây. Hòa thượng xuống xe, phớt tỉnh ăng-lê, nhờ tên cảnh sát kiếm thêm người đẩy hộ xe cho Hòa thượng, ngài nói : “Việc gì cần làm trước thì làm trước, việc gì làm sau thì làm sau. Chuyện bằng lái xe khi nào khám chẳng được, có gì mà phải gấp gáp”. Viên cảnh sát thật quá bở ngỡ, không biết phải xử trí ra làm sao. Hòa thượng cười lớn, đưa bằng lái xe hỏi :

 

           - “Hình tôi chụp trong nầy có rõ không ?”. 

 

             Cái tự do, vô ngại, biểu hiện tâm thức thiền, vượt hẳn hình tướng, quy luật thế gian, đập vỡ thực tại ra làm từng mãnh, để biến hiện thực ra mộng ảo, ảo mộng ra hiện thực.

 

             Một dạo khác, tôi ghé thăm Hòa thượng, tôi được Hòa thượng cho biết Đại tá Thân, tỉnh trưởng Thừa Thiên mời Hòa thượng trở về chùa Túy Vân để đón tiếp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm chùa. Hòa thượng ở trong thế rất khó xử. Là Trú trì của Quốc tự Túy Vân, ngài không thể vắng mặt trong dịp Tổng thống ghé thăm chùa, nhưng tình hình chính trị lúc bấy giờ không mấy thuận lợi, giữa Chính quyền và Giáo hội có nhiều điểm bất hòa. Đón tiếp Tổng thống tức đi ngược lại đường lối Giáo hội, không đón tiếp Tổng thống tức không làm tròn chức năng của một vị Trú trì. Ngài, với tinh thần quyền biến sẵn có, đã về Túy Vân nhưng không ra đón Tổng thống khi máy bay trực thăng chở Tổng thống đến chùa mà chỉ ngồi đợi trong chùa để tiếp chuyện Tổng thống ! Không ai ngờ với con người tu sĩ bình dị lại có thể nghĩ ra quyền chước ngoại giao đặc biệt mà sách vở giao tế chưa có dịp đề cập đến. Phải chăng Hòa thượng đang thực hành phương châm thiền : Đừng cứ im lặng, mà cũng đừng cứ rành rẽ. Đặc tính của Thiền sư : “Là sự hoàn toàn thiếu thế quyền phi lý nhưng đồng thời xác nhận mạnh mẽ cái quyền không đòi hỏi kia, mà căn nguồn của nó là kinh nghiệm chính thức”.

 

            Hành xử quyền biến nầy dường như được mật truyền cho người đệ tử của Hòa thượng tại xứ Hoa Kỳ, Thượng tọa Thích Tín Nghĩa, trong dịp đón tiếp Hòa thượng Mãn Giác tại chùa Từ Phong, Colorado ; trong dịp đương đầu với những chuyện nhức óc xảy ra vào dịp Khánh thành chùa và Đại hội Thường niên của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Đạo. Mục tiêu đức lý của thiền là thực hiện an tâm và vô úy hoàn toàn, đi từ triền phược đến tự do. Thiền là một vấn đề bản tính chứ không phải của trí năng. Vì vậy người ta không lầy gì làm ngạc nhiên tại sao buổi lễ rất đông Phật tử tham dự, ngay những người ở các tiểu bang xa đến, như cựu Trung tướng Tôn Thất Đình, cựu Trung tướng Nguyễn Chánh Thi.

 

             Thái độ đối với dĩ vãng là biết ơn, đối với hiện tại là phụng sự, đối với tương lai là trách nhiệm. Một dĩ vãng hai nghìn năm trăm năm chạy dài từ vườn Trúc xứ Ma Kiệt Đà, bảy trăm năm từ Trần Nhân Tông, Trúc Lâm Đầu Đà núi Yên Tử, qua Giác Tiên Đại sư, người khởi xướng công trình phục hưng Phật giáo tại miền Trung, đến thiền sư Mật Khế, một trong những vị Khai sáng An Nam Phật Học Hội, đến Thiền sư Mật Hiển, anh em đồng sư với Thiền sư Mật Khế, một giảng sư có uy tín của hội An Nam Phật Học, bây giờ đến Thượng tọa Tín Nghĩa, khai sơn Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại. Đất Thần kinh đến đất Cao bồi Texas, con đường rất thoai thoải dọc suốt Trúc Lâm chuyển đến con đường tráng nhựa Gilbert thành phố Irving.

 

             Tổ đình Từ đàm Hải ngoại ngạo nghễ như muốn thách thức với dân bản xứ. Mà thật là một thử thách. Từ một túp nhà nhỏ trên một khu đất nhỏ đến một cơ sở đồ độ trên khu đất rộng, với hai bàn tay trắng, nơi xứ lạ quê người, Thượng tọa Thích Tín Nghĩa đã nối vòng tay rộng không những với Tăng ni Phật tử vùng Texas, mà cả khắp Hoa Kỳ, trên toàn thế giới. Tháng 10 – 1998, tôi đến chùa vào lúc 4giờ30 sáng để dự lễ Khánh thành chùa và Đại hội Thường niên của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Đạo. Thượng tọa Tín Nghĩa ra phi trường đón, một mình một ngựa. Lấy hành lý xong, phái đoàn từ Los Angeles về gồm năm người lên ngồi trên xa, thắt giây nịt đàn hoàng. Xe đi vào chánh định. Hơi thở cũng không nghe. Tim xe ngừng đập, xe không có hơi thở. Phi trường vắng lặng, bốn bề vắng lặng.

 

             Tôi ngồi trong xe suy nghiệm đạo lý duyên khởi của Phật giáo : “Nổ lực cá nhân không phải là nhân tố quyết định độc nhất trong hoàn cảnh sống của cá nhân đó, bởi vì mỗi người là một phần tử quan hệ của xã hội và thiên nhiên và sự miên tục của thời gian . . . Tai họa có thể là phước lành, và phước lành có thể là tai họa. Khốn khổ là phước lành khi nó khích lệ sự nổ lực và tiến triển ; dễ dãi là tai họa khi nó gia tăng lòng tự mãn và sự sa đọa”. (*)

 

             Về đến hậu liêu chùa là gần năm giờ rưởi sáng. Hòa thượng Trí Chơn, Thượng tọa Tánh Thiệt từ Pháp, thầy Quảng Bình từ Đan Mạch, thầy Viên Diệu từ Gia Nã Đại đã có mặt. Tôi vui mừng được gặp quý thầy, được hàn huyên tâm sự, được nghe tiếng tụng kinh Lăng Nghiêm buổi sáng, lời kinh thân thuộc, xúc động :

 

           “. . . Nguyện kim đắc quả thành Bảo vương,

 

            Hoàn độ như thị hằng sa chúng,

 

            Tương thử thâm tâm phụng trần sát,

 

            Thị tắc danh vi báo Phật ân,

 

            Phục thỉnh Thế tôn vi chứng minh,

 

            Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,

 

            Như nhất chúng sanh vị thành Phật,

 

            Chung bất ư thử thủ nê hoàn. . .”.

 

             Lòng tôi nao nao, tràn ngập cảm xúc. Ân Phật rộng như biển cả, cao như núi Tu Di và mênh mông như bầu trời. Đền đáp công ơn Ngài, con nguyện đem cả cuộc đời của mình để phục vụ chúng sanh. Nếu còn có một chúng sanh nào chưa thành Phật, con nguyện không an trú cảnh giới Niết bàn an lạc. Lời nguyện vĩ đại, lời nguyện rạt rào thành khẩn. Lời nguyện mà hàng đệ tử xuất gia của Phật ngày nào cũng nhắc nhở mình vào buổi sáng tinh sương khi quần chúng thường thường đang trong cơn say sưa giấc điệp.

 

             Tụng kinh xong, Thượng tọa Tín Nghĩa đến cùng dùng trà và chuyện trò cho đến sáng. Thật là đêm không ngủ đầy thiền vị.

 

             Chiều hôm sau, một vài Phật tử từ xa đến trương Biểu ngữ yêu cầu Giáo hội cứu xét trường hợp của một Phật tử. Thượng tọa Tín Nghĩa và đạo hữu Phó trưởng ban tổ chức áp dụng lời kinh dạy : “Khuấy động tư tưởng là sai lầm, đình chỉ tư tưởng cũng sai lầm”.

 

             Hành động đình chỉ tư tưởng, ngăn chận tư tưởng, trên thực tế không những không thể làm được mà dù có làm được chỉ gây nên sự tắt nghẽn. Tốt hơn hết là hướng nó vào một nẻo khác, xây dựng hơn, tích cực hơn. Trong ý niệm ấy, rắc rối được giải trừ.

 

             Buổi lễ Khánh thành và Khai mạc Đại hội diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm. Chánh điện không đủ sức dung chứa số lượng Phật tử địa phương và các nơi xa đến. Trung tướng Tôn Thất Đính, người hùng của cuộc cách mạng 1963, giờ đây thành khẩn quỳ trước Phật đài cầu nguyện quốc thái dân an, mong mỏi mọi người hướng về ánh sáng đức Phật cho đời thêm tươi tốt. Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, vẫn còn quắc thước, phong độ vẫn hiên ngang, đứng trước Phật nói lên tâm nguyện thầm kín của mình, với bao hoài bảo chưa thành. Hàng ngàn Phật tử lòng cùng hướng về Tam bảo nguyện cầu đạo mầu mãi mãi soi sáng tại quê nhà, nơi xứ người. Gia đình Phật tử áo lam vẫn như ngày nào, luôn là những Phật tử trung kiên hộ trì chánh pháp.

 

             Kinh Pháp Hoa dạy : “Mặc dầu lời dạy của Phật là một, nhưng vì căn cơ của chúng sanh sai khác, nên con đường dẫn đến chân lý mà họ liễu đạt cũng sai biệt. Giống như chỉ có một cơn mưa đổ xuống từ trời cao, song thảo mộc thì hấp thụ khác nhau tùy theo kích thước gốc, rễ, cành, lá khác nhau”.

 

             Hội trường trang bị đầy đủ phương tiện âm thanh hiện đại, rộng rãi, trang nhã. Chư Tăng, Ni, Đại biểu lắng nghe vị Tổng thư ký trình bày hoạt động Phật sự năm qua, kết quả thâu hoạch được, trở ngại, khó khăn gặp phải và dự phóng Phật sự tương lai. Ý kiến phát biểu phong phú, tuy khác nhau, nhưng đặc biệt năm nay, đều biểu hiện sự tương kính, trầm mặc, khiêm cung. Sóng gió không nao núng sắt son, khó khăn không dao động tâm chí để rồi trong trở ngại tìm lối đi hợp tình, hợp lý, thực tiển, linh động. Đại hội thể hiện lời kinh Niết Bàn : “Những lời cứng rắn và những câu nói nhã nhặn, tất cả đều kết thúc trong chân lý tối hậu”.

 

             Một năm dồn dập sóng gió mà Giáo hội đã trãi qua, giờ đây hình như lắng đọng. Kinh dạy : “Khi tinh thần bừng cháy trong nước, nước cũng trở thành lửa. Khi tinh thần mát dịu đi vào lửa, lửa trở thành nước”.

 

             Tổ đình Từ đàm Hải ngoại đã hòa nước và lửa thành một ; quá khứ hiện tại thành một, không gian Từ Đàm, Trúc Lâm Việt Nam và Từ Đàm Hải Ngoại Hoa Kỳ thành một. Đạo lý Nhất tức nhất thế, nhất thế tức nhất nói lên cái tương duyên sống động giữa Tăng, Ni, Phật tử, giữa cộng đồng Việt-Mỹ trong ngày Đại lễ Khánh thành và Đại hội Thường niên Giáo hội.

 

Cẩn bút : Giáo sư TRẦN QUANG THUẬN

 

Cựu Bộ trưởng Xã hội - Cựu Nghị sĩ Thượng viện Việt Nam Cộng Hòa

 

Ghi chú : (1).- Điều ngự tử Tín Nghĩa – Trúc Lâm Thiền Phái Tại Huế, trang 93.

 

             (2).- Những Mộng Đàm Về Phật Giáo Thiền Tông, trang 16-17.

 

             (3).- Thượng tọa Viên Minh và môn đồ chùa Huyền Không cẩn niệm. Điều ngự tử Tín Nghĩa – Trúc Lâm Thiền Phái Tại Huế.

 

             (*).- lbid trang 292.

Mục Lục

Diễn Văn Khai Mạc Đại Lễ Khánh Thành Chánh Điện

Diễn Văn Chào Mừng Đại Hội Thường Niên Nhiệm Kỳ II

Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Thường Niên II

Quyết Nghị Của Đại Hội

Tâm Thư Của Đại Hội

Mấy Ai Dễ Biết

Cảm Niệm Tổ Đình Hải Ngoại

Từ Đàm Quê Hương Tôi

Trúc Lâm, Từ Đàm, Từ Đàm Hải Ngoại

Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Đạo Mạch và Nền Văn Hóa

Chùa Từ Đàm Quốc Nội Đến Hải Ngoại

Phật Giáo Sự Kỳ Thị Chủng tộc và Giai Cấp

Vài Nét Tâm Sự

Niềm Vui Chưa Trọn

Phật Giáo Việt Nam Trước Những Ảnh Hưởng của Văn Hóa Xã Hội Hoa Kỳ

 

Lá Nắng Chùa Từ Đàm

Gợi Chút Dĩ Vãng

Huế Thủ Đô Của Tự Do Tôn Giáo

VỀ CHUYẾN ĐI DỰ ĐẠI HỘI DALLAS

Thời Điểm Chiến Lược

Vài Đặc Điểm Của Phật Giáo

Tính Cách Chính Thống Của GHPGVNTN

Đóa Sen Nở Giữa Mặt Hồ Nhân Gian

Đọc Thơ HT. Thích Tín Nghĩa

Chân Thành Tri Ân và Cảm Tạ

Chư Tăng Ni và Phái Đoàn Về Tham Dự Lễ Khánh Thành

Hội Đồng Điều Hành Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Chương Trình Lễ Khánh Thành

 Ký sổ vàng xây dựng Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Vài nét về Tổ Ðình Từ Ðàm Hải Ngoại

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Cáo Bạch
Anh Hùng và Tội Đồ
Lá Thư Xuân Quý Mão
Điện thư Phân Ưu của Giáo Hội
Chương Trình Sinh Hoạt Trong Năm Giáp Thìn - 2024
Thông Bạch Vu Lan 2022 - PL. 22566
Phạm Duy Vĩnh Biệt Thôn Đoài
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Tổ Chức Đại Hội Thường Niên Lần Thứ 2
Chương Trình Sinh Hoạt Năm Nhâm Dần-2022 của Từ Đàm
Nguyễn Trường Tộ : Từ Huyền Thoại Đến Thực Chất Con Người và Sự Thật
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3148956
Có -562 Khách Đang Online